Bát Nhã Linh Hiện…
Bài Giảng của Thầy PHẠM CÔNG THIỆN
tại Chùa Viên Thông ở Bellflower, California
Bát Nhã là Mẹ của Tất Cả Chư Phật
Bát Nhã chính là Mẹ
Hay xuất sinh nuôi nấng…
Bát Nhã sinh ra Phật Bát Nhã là Tổ Mẫu
Của hết thảy chúng sinh
(Đại Trí Độ Luận,
H.T Đại Lão Thiện Siêu dịch,
tập I, trang 691-692)
1. Cái gì vĩ đại nhất trên đời ?
Đối với mỗi người trong chúng ta hiện nay, có bao giờ thỉnh thoảng mình tự nghĩ về một cái gì đó cao nhất, lớn nhất, vĩ đại nhất trên cõi đời này, trên thế gian này, trên thế giới này…
Có phải hạnh phúc" Có phải tiền tài" Danh vọng" Sức mạnh hoặc sức khỏe" Tuyệt đỉnh vinh quang, tột đỉnh giàu sang quí phái" Hay bất cứ cái gì mà loài người bái phục, ngưỡng mộ và khát vọng đeo đuổi"
Tôn giả A nan một lần nọ có hỏi Đức Phật như vầy: “Bạch Thế Tôn, con muốn được biết, muốn được Sư Phụ cho con được biết cái gì lớn nhất, vĩ đại nhất trên thế giới này."
Bây giờ là những ngày đầu mùa thắng hội Vu Lan, tất cả chúng ta hãy một lòng lắng nghe câu trả lời của Đức Phật: “Này A nan, điều vĩ đại nhất trên thế giới này là công ơn cha mẹ” (Kinh Mục Liên Sám Pháp, trang 136).
Câu trả lời bất ngờ của Đức Phật làm cho chúng ta hết lòng tinh tấn để thọ trì đọc tụng Kinh Mục Liên Sám Pháp vào những mùa Vu Lan, và tất cả chúng ta đều phải trọn lòng nhớ công ơn cao lớn vô cùng của Hòa Thượng Đại Lão Quảng Độ đã thiết tha dịch trọn vẹn Kinh Mục Liên Sám Pháp vào mùa Vu Lan năm Quí Mão năm 1963, với trang đầu là bài thơ Dâng Mẹ của Ngài, một bài thơ tuyệt vời cho Mẹ mà tôi phải cung kính nhận rằng đây là một trong vài bài thơ cho Mẹ vĩ đại nhất của thơ văn Việt Nam.
2. Bài thơ Dâng Mẹ của Đại Lão
Hòa Thượng Quảng Độ
I.
Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương,
Con nhớ Mẹ suốt canh trường khắc khoải,
Ơn dưỡng dục mẹ ôi sao xiết kể,
Công sinh thành con nghĩ: quặn lòng đau.
II.
Gốc mai già xơ xác đã từ lâu,
Chơ vơ đứng giữa trường đời gió lộng,
Dòng sông chảy: ấy đời con trong mộng,
Lững lờ trôi, trôi mãi đến bao giờ ?
III.
Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ,
Con mơ thấy hồn con về thăm mẹ,
Được ấp ủ trong tình thương của mẹ,
Mảnh hồn con ấm diệu biết bao nhiêu ?
IV.
Bốn phương trời con tìm kiếm đã nhiều,
Nhưng không có một tình yêu của Mẹ,
Vu Lan đến, cõi lòng con quạnh quẽ,
Bóng người xưa như phảng phất đâu đây.
V.
Một chiều thu lạnh, dâng bát cơm đầy,
Tình nghĩa ấy, mẹ ôi! Bao thắm thía,
Phương trời này con nghậm ngùi rơi lệ,
Đức Cù Lao muôn một trả chưa xong.
Đại Lão Hòa Thượng Quảng Độ chẳng những là bậc lãnh đạo tối cao của Phật Giáo Việt Nam, chẳng những là một bậc anh hùng dân tộc mà còn là một nhà thơ bất ngờ của “Lòng Bồ Đề” (chữ của thi hào Nguyễn Du). Lòng Bồ Đề là gì" Chính là Lòng Mẹ. Nói theo ngôn ngữ Mật Tông của Tây Tạng, Mẹ ở đây chính là Mẹ vĩ đại, tiếng Tây Tạng là YUM CHENMO, nghĩa là ĐẠI MẪU, một tên khác của MẸ TRÍ HUỆ, MẸ BÁT NHÃ, SHERCHINMA. Chúng ta phải hiểu rằng MẸ của chúng ta chính là PHẬT. Tất cả những Bà Mẹ trên đời hiện nay đều là PHẬT MẪU.
3. Cha Mẹ Mình Là Hai Đức Phật.
Truyền thống bí mật của Phật Giáo dạy cho chúng ta rằng Cha Mẹ mình là Hai Đức Phật; truyền thống hiển hiện của Phật Giáo thường dạy chúng ta rằng Cha Mẹ trong nhà thì giống như Phật tại thế. Trong truyền thống đại mật thì còn hơn thế nữa: không phải giống như mà chính là như thế: Cha Mẹ không phải giống như Phật mà Cha Mẹ chính là Phật.
Có thể có nhiều người không hiểu Phật Giáo một cách khác thường và cho rằng đây là xuyên tạc kinh điển Phật Giáo. Trong Phật Giáo, mỗi khi mình có cái nhìn, cái thấy trong sạch, trong sáng, trong veo thì tất cả đều là Tịnh Độ, tất cả đều là Phật, tất cả đều là Giác Ngộ, tất cả đều là linh thiêng, tất cả đều là bình đẳng, tất cả đều là Bất Nhị, tất cả đều là Thắng Hội Vu Lan.
Tất cả đều là Vu Lan trọn năm và trọn đời, đời này đến đời khác liên tục cho đến Vô Sinh và Bất Sinh.
Tất cả đều là Vu Lan, có nghĩa là tất cả đều là Hoan Hỉ.
Thường thường nói đến Vu Lan, chúng ta đều tưởng là những ngày buồn thảm tê tái thê lương, tất cả chúng ta có bao giờ quên những câu thơ tuyệt vời bi đát của Đại Thi Hào Dân Tộc Nguyễn Du trong thi phẩm Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…
Có một câu trong Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du thực đáng nhớ: “Đêm trường dạ tối tăm trời đất” mà nhà thơ Xuân Diệu cho rằng “bao trùm lấy tất cả bài Văn Chiêu Hồn” (Ba Thi Hào Dân tộc, trang 230-231).
Tại sao tôi nói Vu Lan là Hoan Hỉ ?
Mình hoan hỉ, chúng ta đều hoan hỉ, vì Đức Phật dạy cho mình đủ trong sáng, đủ trong sạch để nhớ công ơn Cha Mẹ và để thấy rằng Cha Mẹ là hai vị Phật sống trong nhà. Đức Phật Di Lặc từng nói: “Trong nhà mỗi người đều có hai Đức Phật mà người trong nhà đều không biết. Đó là Cha Mẹ hiện tại của mình, tức là Thích Ca Phật và Di Lặc Phật vậy” (Kinh Mục Liên Sám Pháp, chùa Viên Thông xuất bản, trang 145-146).
4. Hội Vu Lan là Hội Hoan Hỉ, Ngày Vu Lan là Ngày Hoan Hỉ.
Hội Hoan Hỉ, Ngày Hoan Hỉ (Hoan Hỉ Hội, Hoan Hỉ Nhật) là vì mùa an cư vừa kết thúc, ngày tự tứ, tất cả đều trở nên trong sáng thanh tịnh, bà Mẹ của tôn giả Mục Liên vừa vượt thoát nỗi khổ kinh hồn của Ngạ Quỉ.
Không phải chỉ chúng ta hoan hỉ vào ngày hoan hỉ ở vào hội hoan hỉ, mà tất cả chư Phật đều hoan hỉ.
Trong Kinh Vu Lan có đoạn sau đây: “ai muốn thực hành cái Đức Từ Hiếu thì trước nên vì Cha Mẹ hiện tại; kế đó nên vì Cha Mẹ bảy đời trong thì quá khứ, đến rằm tháng bảy – NGÀY PHẬT HOAN HỈ, ngày Tăng tự tứ - đặt để trai soạn đủ các mùi vị vào bồn Vu Lan, hiến cúng mười phương Tăng Chúng Tự Tứ, cầu nguyện cha mẹ đang còn hiện tại sống lâu trăm tuổi, không bệnh không khổ; cha mẹ bảy đời trong thì quá khứ thoát khổ ngạ quỉ, sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, phước lạc vô cùng” (Kinh Vu Lan, bản dịch của Hòa Thượng Đại Lão Trí Quang, trang 30-31, trang 108-109).
Chúng ta phải cảm tạ công ơn của Ngài Pháp Hộ hay Đôn Hoàng Bồ Tát, người gốc Nhục Chi đã dịch Kinh Vu Lan ra tiếng Tàu từ chữ Phạn cách đây trên một ngàn bảy trăm năm; Kinh Vu Lan này đã tác động dữ dội mãnh liệt đến nước Tàu, nước Việt Nam, Nhật Bản và Đại Hàn trong suốt mười mấy thế kỷ. Vu Lan Bồn là dịch từ chữ Phạn ULLAMBANA (còn gọi là Ô Lam Bà Noa dịch là Đảo Huyền, cái khổ treo ngược, cái khổ cùng độ).
Hội Vu Lan, trong thuật ngữ Phật Giáo Tàu, còn có tên là Hoan Hỉ Hội, Hoan Hỉ Nhật, được tổ chức bên Tàu lần đầu tiên vào năm 538. Thế là gần mười lăm thế kỷ, ở Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn và Tàu đều trải qua những mùa hoan hỉ bất tận trên mặt đất và trên cõi trời bao la vô tận.
Không phải chỉ ngày Vu Lan thì chúng ta mới nhớ ơn Cha Mẹ mà chúng ta phải nhớ ơn Cha Mẹ liên tục, mà cách nhớ ơn sâu xa nhất là tu hành Phật Pháp một cách tinh tiến, mà càng tu hành thì càng thấy tất cả thần thông đều không thể nào chiến thắng được nghiệp lực (còn ai có thần thông trọn vẹn như tôn giả Mục Liên ?) và chỉ có nguyện lực và phương tiện lực mới chuyển hóa được nghiệp lực. Đại Nguyện Lực và Đại Phương Tiện Lực chính là Lòng Bồ Đề, tức là Lòng Đại bi nhập một với Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật.
5. Bát Nhã là Mẹ của Tất Cả Chư Phật
Bát Nhã chính là Mẹ
Hay xuất sinh nuôi nấng…
Bát Nhã sinh ra Phật
Bát Nhã là Tổ Mẫu
Của hết thảy chúng sinh
(Đại Trí Độ Luận, Hòa Thượng Đại Lão Thiện Siêu dịch, tập I, trang 691-692)
Chúng ta hãy lắng nghe Kinh Bát Nhã gồm 8000 thính tiết:
Bát Nhã được coi là Bà Mẹ vĩ đại…
Đó là Đại Trí Huệ Bát Nhã sinh ra sự sinh vô sinh của tất cả Chư Phật.
Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajñaparamita) là “Mẹ của tất cả Chư Phật” (SARVA-BUDDHA-MA-TA-), “Mẹ của tất cả Tôn Thắng Phật” (SARVA-JINA-MA-TA-). ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA là gì" Chúng ta phải cần cung kính hết lòng thọ trì đọc tụng mấy chục ngàn trang kinh Đại Bát Nhã thì may ra mới đột nhận ra rằng mình không là cái gì cả, nhưng đồng thời mình là… (ba chấm cho đến vô tận). Cách đây vài chục năm, tôi đã từng giảng dạy bộ Đại Bát Nhã (nhiều loại) từ chùa Việt Nam ở Los Angeles của Hòa Thượng Mãn Giác đến chùa Liên Hoa của Hòa Thượng Chơn Thành đến chùa Diệu Pháp ở Monterey Park và ở San Gabriel của Thượng Tọa Viên Lý; hôm nay tôi chỉ muốn y theo bản kinh ngắn nhất của Toàn Bộ Đại Bát Nhã mà gọi gọn lại rằng Đại Bát Nhã là mẫu tự A.
Kính lạy Đại Mẫu, Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Kinh Bát Nhã linh hiện, Mẹ của tất cả đấng Như lai trong một chữ độc nhất (xin đọc Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất của Phạm Công Thiện, do Trần Thi xuất bản 1988, California, trang 302).
Mẫu tự A có nghĩa là BẤT SINH; trong Phật Giáo Mật Tông thì A tự ngũ chuyển: tâm Bồ Đề (lòng Bồ Đề), tu hành, thành tựu Bồ Đề, Niết Bàn vắng lặng và cứu cánh phương tiện, tức là chứng nhập Lý Tánh Bất Sinh Bất Diệt.
Mẫu tự A còn có đầy đủ bốn diệu dụng:
- Sạch dứt tất cả tai họa, tai nạn, tai ương;
- Đủ hết tất cả phẩm chất, tăng ích đại hạnh công đức;
- Hàng phục tất cả tội lỗi, nghiệp chướng, phiền não chướng và sở tri chướng;
- Thu nhiếp tất cả các pháp.
- TᾹRᾹ Là Mẹ của Tất Cả Chư Phật.
Đại Trí Huệ Bát Nhã còn được linh động hóa và cụ thể hóa qua Phật Mẫu cứu Độ TᾹRᾹ; TᾹRᾹ chẳng những là Mẹ của Thế Gian (LOKA-MᾹTᾹ) mà cũng là Mẹ Phổ Hiền của cả vũ trụ (VISTA-MᾹTᾹ) và đồng thời là Mẹ của Tất Cả Chư Phật (SARVA-BUDDHA- MᾹTᾹ). Câu thần chú linh hiện của Cứu Độ Phật Mẫu TᾹRᾹ cũng được nằm ẩn kín bí mật trong Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất (trang 188-189). Tất cả phạm trù, tất cả kiến trúc, kết cấu, trật tự, hệ thống chữ nghĩa văn chương triết học, tất cả những ngôn thuyết, lý thuyết phê bình thẩm mỹ học, tất cả ý thức hệ, lý luận phê bình văn nghệ đã được phá vỡ từ những “trường sở không trường sở” của bài kinh Đại Bát Nhã một chữ và nhiều câu mật chú của TA-RA- trong quyển sách kể trên.
Đại Linh chú Phật Mẫu TA-RA- rất linh ứng lạ lùng trong mùa Vu Lan:
OM TARE TUTTARE TURE SOHA (SVᾹHᾹ)
- TARE có thể hiểu là giải thoát khỏi luân hồi;
- TUTTARE giải thoát khỏi tám nỗi sợ hãi lớn lao (ASTAMAHA-BHAYA TᾹRᾹ)
Tám loại sợ hãi là sợ sư tử, sợ voi, lửa, rắn, trộm cắp, tù tội, nước lụt, quỉ ma:
- sư tử = kiêu ngạo;
- voi = si mê;
- lửa = nổi giận, thù ghét;
- rắn = đố kỵ, ghen ghét;
- trộm cắp = tà kiến;
- gông tù xiềng sích = tham lam, tham dục, bỏn xẻn, mê tiền;
- nước lụt = dục vọng, ái dục, thèm khát;
- quỉ ma = ngờ vực, nghi ngờ, những gì vượt ngoài sự lý giải thông thường thì kết án là “dị đoan mê tín” hay “phản khoa học” vân vân.
- TURE là diệt khổ; tiêu diệt mọi phiền não, sầu khổ ưu bi thán não; tiêu diệt tất cả bệnh hoạn thể xác và bệnh hoạn tinh thần, bệnh hoạn tâm linh; trừ diệt tất cả phiền não chướng và sở tri chướng.
Thực ra OM TARE TUTTARE TURE SOHA có vô lượng nghĩa. Có nhiều người, rất nhiều người bị đủ tai họa, bị đủ loại bệnh ung thư, rồi kể cả những người chết đói thiếu ăn đi nữa vô gia cư, vô nghề nghiệp, chỉ cần nhất tâm bất loạn trì tụng thần chú TA-RA- thì đều vượt thoát tất cả. Đây không phải là chuyện hoang đường “mê tín dị đoan”. Cái mê tín dị đoan bất trị là cái “Tôi” và cái “của Tôi” (Ngã và Ngã Sở).
7. Ngày Vu Lan Hoan Hỉ Học Đạo với Tổ Sư ATIŚA DῙPAMKARA 982-1054)
Trong Phật Giáo, từ bao nhiêu vô số kiếp, tất cả chúng sinh đều từng là Cha Mẹ của mình.
Trong Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo Kinh có phần đầu như sau:
Bấy giờ Thế Tôn
dẫn lãnh đại chúng
thẳng tiến phương nam,
chợt thấy bên đường
một đống xương khô.
Ngài liền phủ phục
Cung kính lễ bái
đống xương khô đó.
A Nan ngạc nhiên
chắp tay bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn,
Như Lai Ngài là
Tam Giới Đại Sư
tứ sinh Từ Phụ
mọi người quy kính,
vì nhân duyên gì
lễ bái cốt khô ?”
Đức Phật bảo rằng: “Các ngươi tuy thuộc vào hàng đệ tử thượng thủ của ta, xuất gia đã lâu, sự việc hiểu biết chưa được rộng sâu.
Đống xương khô đó
hoặc có thể là
của tổ tiên ta,
cha mẹ của ta,
từ thời tiền kiếp,
nhiều đời trải qua,
vì nhân duyên ấy
nay ta lễ bái.”
(Kinh Báo Hiếu, bản dịch của D.L)
Tổ Sư ATIŚA, người đã truyền Phật Giáo qua Tây Tạng sau PADMASAMBHAVA thường nhắc nhở chúng ta liên tục rằng tất cả chúng sinh từ xưa đến nay đều đã từng là cha mẹ của chúng ta, vì thế phải Phát Bồ Đề Tâm hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Tổ sư Atis'a cũng là đại thánh tăng thường được Phật Mẫu Ta-ra- liên tục hướng dẫn soi sáng hành trình tâm linh từ lúc bé thơ cho đến cuối đời hoằng pháp ở Tây Tạng.
8. Vòng Ngọc Bồ Tát BODHISATTVAMANEVALI của ATIŚA DῙPAMKARA.
Về Bồ Tát Hạnh, nghĩa là hành động, tu hành, thực chứng Lòng Bồ Đề vì lợi ích cho tất cả cha mẹ mình từ bao giờ cho đến bây giờ, ít khi chúng ta học được đôi lời vàng ngọc châu báu kim cương như những lời sau đây của Tổ Sư ATIŚA (982-1054). Mấy chục năm nay, tôi đã có đầy đủ dữ kiện để đoán rằng ATIŚA đã học đạo tại một địa điểm có liên hệ đến đất trời Việt Nam hoặc nằm ngay trong lãnh thổ Việt Nam (việc này thuận duyên sẽ đề cập, cũng khá “bí mật”) trước khi truyền đạo qua Tây Tạng (sư phụ Ngài có thể là người Việt Nam hoặc người Chàm…).
Xin tạm dịch đôi phần BODHISATTVAMANEVALI để tri ân vô tận đối với Sư Phụ tôi là Đại Lão Hòa Thượng Trí Thủ và vị Sư Phụ thứ hai là Đại Lão Hòa Thượng Tây Tạng Kalu Rinpoche:
Con xin sụp lạy Đại Từ Bi
Sụp lạy những bậc Sư Phụ, Đạo Sư
Sụp lạy tất cả Chư Phật Đại Bồ Tát Hộ Trì Tu Chứng.
1.
Hãy từ bỏ tất cả mối ngờ vực dây dưa
và hết lòng gắng sức tu hành thao thức.
Hãy hoàn toàn dứt bỏ tính lười biếng, sự đần độn tinh thần, sự uể oải nặng nề u trệ,
và hết sức liên tục tinh tiến siêng năng quyết lòng chịu đựng, đầy vui sướng, hoan lạc, hoan hỉ.
2.
Với sự thức tỉnh chính niệm, trực thức và lòng lưu ý bén nhạy,
Thường xuyên gìn giữ những cổng cửa của sáu giác quan,
ba lần liên tục cả ngày lẫn đêm,
hãy dò xét kỹ càng giòng trôi chảy của những ý tưởng và tư tưởng mình.
3.
Hãy bày ra cho thiên hạ thấy rõ những tật xấu, những nhược điểm, những nết xấu xa bần tiện thấp hèn của chính mình,
Và đừng moi móc bới tìm cho ra những lỗi lầm của những kẻ khác.
Hãy che giấu kín không cho ai thấy được những đức tính tốt đẹp trong sáng của chính mình
Và hãy tuyên bố rao truyền cho người khác thấy được những đức hạnh cao đẹp và những ưu điểm cao quí của những kẻ khác.
4.
Hãy bỏ hết gia tài tiền bạc của cải giàu sang và bao chuyện thày lay, gọi lầm là phục vụ thế tục:
bất cứ lúc nào và trong tất cả mọi thời đều dứt bỏ hết sự thắng lợi, sự thành công vật chất, bỏ dứt hết bao nhiêu tài lợi và bao nhiêu vinh quang danh vọng tên tuổi.
Chỉ nên có rất ít ham muốn (thiểu dục) và luôn luôn rất dễ dạy, luôn luôn dễ dàng sung sướng bằng lòng thoải mái với cái gì mình đang có,
Và hãy đáp ứng thật lòng với lòng tốt, cử chỉ tử tế dễ thương của kẻ khác…
5.
Hãy tu dưỡng lòng Từ và lòng Bi
và an định vững bền lòng Bồ Đề.
Một dịp khác, tôi sẽ dịch trọn vẹn tất cả Bodhisattvamanevali. Bài giảng Vu Lan hôm nay dường như đã quá giờ qui định. Xin hồi hướng công đức cho tất cả Cha Mẹ chúng sinh được Nhất Thiết Chủng Trí và xin cảm tạ Thượng Tọa Thông Niệm đã có lòng ưu ái đầy Từ bi Hỉ Xả để ban cho tôi được sự thanh tịnh hoàn toàn dưới mái chùa của Thượng Tọa từ Long Beach đến Bellflower trong 14 năm nay để tôi được thơ mộng trong sạch sống lại dưới “mái chùa che chở hồn dân tộc”.
PHẠM CÔNG THIỆN
(Viết từ 2 gời khuya đến 6 gời sáng ngày 30 tháng 8 năm 2009 tại chùa Viên Thông, trong Tăng phòng bé nhỏ dưới tôn tượng linh hiện của Phật Mẫu Tārā bất ngờ xuất hiện đúng thời tiết nhân duyên bí mật…)